Lời nguyền trăm năm trên núi Mỏ Quạ

Từ xa xưa, những bậc cao niên trong vùng đã truyền tụng lại rằng, bất cứ đôi trai gái nào đủ dũng cảm, kiên trì cùng nhau lên tới đỉnh núi Mỏ Quạ (còn gọi là núi Đao Cay), xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để ngồi vào “bàn cờ tình yêu” thì họ sẽ sống với nhau hạnh phúc đến bạc đầu răng long. Kỳ lạ thay, lời nguyền về một tình yêu vĩnh cửu từ thuở trước đến nay vẫn linh nghiệm bởi dẫu đã đi qua hàng thế kỷ nhưng nơi đây rất hiếm khi xảy ra một vụ ly hôn nào.

Bàn cờ đá chứng nhân tình yêu đôi lứa

Trong những câu chuyện truyền khẩu của người dân xã Trung Mỹ, người ta vẫn kể cho nhau nghe về huyền tích núi Mỏ Quạ - ngọn núi mang lời nguyền tình yêu. Và câu chuyện ấy đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa gia đình, trai gái trong làng dù có đi đâu nhưng cứ mỗi khi nhớ về quê hương, nhớ về ngọn núi đầy thân thương là họ lại bảo ban nhau ăn ở cho phải đạo vợ chồng.

Theo các bậc cao niên trong làng, câu chuyện về lời nguyền tình yêu trên đỉnh núi Mỏ Quạ đã được lưu truyền từ rất nhiều đời nay. Núi Mỏ Quạ là một trong những ngọn núi cao thuộc dãy Tam Đảo, trải rộng trên 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang, trên đỉnh có mỏm đá khổng lồ nhô ngang ra nhìn giống như chiếc mỏ quạ quay về hướng Tây Nam. Tương truyền rằng ngày xưa có một đôi trai gái tuổi đôi mươi yêu nhau nhưng đều bị gia đình nhất mực ngăn cản vì hai họ vốn có mối thù truyền kiếp.

Quyết tâm thực hiện lời thề ước sống chết có nhau, đôi trẻ đã quyết bỏ trốn ngay trong đêm tối. Không may gia đình hai bên phát hiện nên đã phái gia nhân truy đuổi hai người gắt gao.

Cứ thế, đôi trẻ nắm tay nhau chạy miết cho đến tận chân núi Mỏ Quạ mà tiếng vó ngựa kèm đuốc sáng vẫn bám sát không rời. Cùng đường, chàng trai đành dắt cô gái, xé màn đêm mà leo thẳng lên đỉnh núi. Cho đến gần sáng, khi đã mệt nhoài thì hai người lên đến đỉnh núi. Tại đây, họ phát hiện ra sau làn sương mù thấp thoáng bóng dáng một ông lão và một bà lão râu tóc bạc phơ, mặt đẹp như tiên trong trang phục áo trắng như mây ngồi chụm đầu say sưa trên một phiến đá rộng rãi, bằng phẳng. Vừa phát hiện ra có người lạ, ông bà liền theo mây bay về trời.

Tò mò, chàng trai và cô gái đã lại gần phiến đá thì mới biết đó là một bàn cờ đang dở dang. Quay đầu lại, đôi tình nhân cũng không còn thấy bóng dáng của những gia nhân truy đuổi. Cũng trên chính bàn cờ đá khổng lồ ấy, hai người đã làm lễ bái lạy trời đất với lời thề đời đời, kiếp kiếp yêu nhau. Nếu một trong hai người bội bạc quên nghĩa phu thê sẽ bị gặp quả báo tai ương.

Và rồi như lời thề ước, hai người đã sống với nhau trọn kiếp và sinh con đẻ cháu trên ngọn núi Mỏ Quạ. Sau này khi họ chết đi, con cháu đã đặt tên cho phiến đá ấy là “bàn cờ tình yêu”, và để lại một lời nguyền rằng bất cứ đôi trai gái nào leo được lên đến đỉnh, ngồi vào bàn cờ tình yêu thì họ sẽ sống với nhau hạnh phúc cho đến khi đầu bạc, răng long.

< Nhìn từ trên đập Thanh Lanh, cảnh sắc nơi đây lung linh, mờ ảo nhưng ẩn chứa một bí mật dài hàng thế kỷ.

Cụ Dương Văn Đào, ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, một trong những người cao niên nhất sống dưới chân ngọn núi huyền thoại này cho biết, cũng vì sự diệu kỳ của lời nguyền mà từ hàng thế kỷ nay, không ít cặp trai gái thương yêu nhau nhưng vì nhiều rào cản mà không thể đến được với nhau đã từ khắp nơi cố công rủ nhau leo lên tận đỉnh núi Mỏ Quạ này để ngồi vào bàn cờ tình yêu trước sự chứng kiến của đất núi mây trời. “Ngày nay, bàn cờ và các quân cờ thô sơ bằng đá vẫn còn nguyên trên đỉnh Mỏ Quạ.

Tuy nhiên có lẽ vì bây giờ là thời buổi trai gái tự do yêu đương, tìm hiểu nhau, những rào cản như xưa không còn hiện hữu nữa nên rất lâu rồi tôi không thấy đôi bạn trẻ nào tìm đường lên bàn cờ tình yêu nữa”, cụ Dương Văn Đào cho biết.

Không chỉ có cụ Dương Văn Đào tin vào lời nguyền tình yêu mà nhiều người sống dưới chân núi cho rằng lời nguyền đó rất linh ứng. Cụ Phan Văn Thén, ở thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ - người đã từng leo lên đỉnh núi và ngồi vào bàn cờ tình yêu kể lại, thời còn trai trẻ cụ có lần đã đánh bạo theo lối mòn bị mây mù che phủ để leo lên đỉnh núi. Sau gần một ngày mò mẫm, cụ thấy một phiến đá to bằng phẳng có thể trải được hai chiếc chiếu hiện ra, trên đó có những quân cờ bằng đá thô sơ được đặt trên những dòng kẻ ô vuông.

< Về xã Trung Mỹ, vẫn thường thấy những cặp vợ chồng già đèo nhau như thế này.

Lúc đó cụ và người con gái đi cùng đã ngồi vào bàn cờ... Và lời nguyền tình yêu đã linh ứng, sau này người con gái ấy đã làm vợ cụ Thén và sinh cho cụ được 6 người con. Sau 70 năm chung sống, vợ chồng cụ Thén chưa từng to tiếng với nhau bao giờ. Giờ đây cụ đã ở tuổi cổ lai hy, con đàn cháu đống mà hai người vẫn tình cảm với nhau. Cứ có việc gì trong làng là hai cụ lại đèo nhau bằng xe đạp, con cháu cụ biết hai cụ dù có tuổi nhưng vẫn còn yêu nhau nhiều lắm! 

Cụ Thén còn kể, hiện trên núi Mỏ Quạ ở sườn núi phía Nam có những vách đá dựng đứng tạo ra các khe nứt với những hang sâu hun hút, nhiều hốc núi là nơi chưa từng có dấu chân người. Ngược lại, ở sườn núi phía Bắc lại có những cánh rừng rậm rạp với nhiều giống chim rừng, hươu, nai... Chính cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc ấy đã chứng kiến cho biết bao cuộc hẹn hò thề ước của các cặp trai gái trong làng và tất cả sau này đều sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Với cụ Thén, lời nguyền từ “bàn thờ tình yêu” là một sự thật không thể chối cãi!

Làng chung thủy số 1

Bao năm nay, cảnh sắc trên ngọn núi Mỏ Quạ vẫn lung linh, huyền ảo và lời nguyền tình yêu trên đỉnh núi Mỏ Quạ vẫn còn đang lan tỏa tác dụng xuống những khu dân cư sống dưới chân núi. Ông Phạm Hùng Oanh, cán bộ Tư pháp xã Trung Mỹ cho biết: “Đã từ rất lâu rồi trong xã không có gia đình nào xảy ra chuyện ly hôn. Có lẽ vì trân trọng truyền thuyết về “bàn cờ tình yêu” nên thế hệ trước luôn dạy thế hệ sau rằng mỗi người trong gia đình đều phải học cách giữ hòa khí, học cách giữ được đạo nghĩa vợ chồng và điều này khiến các cặp vợ chồng trong xã luôn “tương kính như tân”.

< Thung lũng dưới chân núi Mỏ Quạ.

Còn theo ông Trương Quang Vinh, Phó Chủ tịch xã Trung Mỹ thì lời nguyền và chiếc “bàn cờ tình yêu” trên đỉnh núi Mỏ Quạ chỉ được truyền khẩu dân gian, thật tiếc khi không có tài liệu hoặc cuốn sách nào ghi chép về điều này. “Nhưng đúng là lâu nay chuyện tình yêu luôn là một điều gì đó rất thiêng liêng với nam thanh nữ tú trong xã chúng tôi. Nếu mỗi người đều dựa vào lời nguyền để hướng cách suy nghĩ của mình nhằm giữ gìn hạnh phúc gia đình thì đó thực sự là một nét văn hóa đẹp”.

Dù biết rằng chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện vợ chồng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau song với những con người nơi đây, không biết tự bao giờ họ đã chấp nhận lời nguyền tình yêu trên đỉnh núi Mỏ Quạ như một sự mặc nhiên của tạo hóa. Đồng bào các dân tộc nơi đây từ xưa đến nay vẫn có truyền thống là đã yêu nhau thì phải cưới nhau, đã cưới nhau thì phải tôn trọng nhau và ở bên nhau cho đến suốt đời, người đàn ông không bao giờ được bỏ vợ, và khi vợ chết đi rồi thì cũng không bao giờ được đi bước nữa.

Người dân nơi đây vẫn thường nói Mỏ Quạ đội mũ thì nước lũ sắp về. Do là núi rất cao, trên 1000 mét; đỉnh núi luôn có mây mù bao phủ, rất hiếm khi người ta trông được rõ đỉnh núi. Những khi nào mây mờ tan đi, nhìn thấy được mây đen thì đó là lúc sắp có mưa bão lớn, nước lũ tràn về rất nhanh và gấp.

< Hiếm khi lắm, người ta mới được trông thấy Đỉnh Đao Cay trên núi Mỏ Quạ do nơi đây quanh năm được mây mù bao phủ.


Núi Mỏ Quạ còn nhiều nơi chưa từng có dấu chân người, nhất là sườn núi phía Nam. Trên các vách đá dựng đứng có nhiều khe nứt thành hang sâu hun hút, nhiều hốc núi lở từ thời cổ để lại, lổng chổng những đá. Sườn núi phía Bắc có những cánh rừng rậm rạp chen nhau với nhiều giống chim muông. Từ lưng chừng núi có nhiều khe nước len lỏi trong vách đá để dồn tụ về Thác Mơ cao vài chục mét ngày đêm rót nước trắng xoá xuống suối NaNu rồi cùng với suối Lẽ, suối Cả quanh năm gom nước cho hồ Thanh Lanh và hồ Gia Khau.

Chính vì cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc ấy nên cách đây hàng trăm năm, ngọn núi này được truyền rằng là nơi chứng kiến biết bao cuộc hẹn hò thề ước của các cặp trai gái và tất cả sau này đều sống hạnh phúc với nhau suốt đời. Và người ta tin rằng đã có một lời nguyền trên đỉnh núi ràng buộc tất cả những người đến đó yêu thương nhau trọn đời.

Sự thật về lời nguyền trên đỉnh Đao Cay đến nay thực hư chưa rõ. Những dấu tích về núi tình yêu trải qua hàng trăm năm đến nay đã bị thời gian bào mòn song có một thực tế rằng nhân dân 8 dân tộc anh em sống dưới chân ngọn núi Mỏ Quạ trước đây vẫn tìm nhiều cách để được chấp nhận lời nguyền trọn vẹn sống với nhau và hầu như họ không bao giờ ký vào tờ đơn ly hôn.

Không có nhận xét nào

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

Được tạo bởi Blogger.